Thứ Sáu, 18/10/2024 14:31
Chào mừng  BẠN đến với website trường THCS Cao Bá Quát - thành phố nha trang - tỉnh khánh hòa



 
  23/11/2023 18:19        

Tuyên truyền Về tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng, phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023

BÀI TUYÊN TRUYỀN (1)

Về tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng,

phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023

 

           Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

          Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

          Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia cam kết, thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội.

          Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới được cụ thể hóa trong Luật bình đẳng giới. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước từng bước thực hiện hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nhờ đó, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

          Tuy nhiên, định kiến giới và hiện tượng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn xảy ra.

          Nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa ứng, phó với bạo lực trên cơ sở giới, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 được triển khai trên phạm vị toàn quốc với chủ đề ““Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” để thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chăn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

          Từ những thông điệp: Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội”; Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc”; Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc”; “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”; Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh”; “Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”; Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực”; “Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay”. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới kêu gọi mỗi cá nhân, đặc biệt là nam giới nâng cao nhận thức và chuyển biến mạnh mẽ trong hành động để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, bảo vệ hạnh phúc của chính mình; đồng thời, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

-----------------------------------------------

BÀI TUYÊN TRUYỀN (2)

Về tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng,

phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023

 

Trong Bản Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác Hồ đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ ngay từ khi giành được độc lập. Điều đó được thể hiện tại Điều 9 Hiến pháp năm 1946 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Cùng với sự phát triển đất nước, Nhà nước ta đã không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện bình đẳng giữa giới nam và giới nữ. Đặc biệt, năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới, nhằm từng bước xoá bỏ phân biệt đối xử về giới trên mọi lĩnh vực. Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trên thực tế, năm 2007, Quốc hội ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Đã qua 15 năm thực hiện Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên với thực trạng chung của cả nước, bất bình đẳng giới ở nước ta vẫn chưa thực sự được xoá bỏ; tư tưởng, định kiến giới, trọng nam khinh nữ, nạn tảo hôn, ép kết hôn vẫn còn thể hiện dưới nhiều hình thức và tồn tại ở nhiều góc độ, gây lên những hệ luỵ nghiêm trọng cho các gia đình và ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội; đặc biệt là xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiêm túc lên án và xoá bỏ.

Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ từng chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế trong đời, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục, bị sàm sỡ nơi công cộng; tổn thất thu nhập quốc gia do bạo lực gây ra chiếm 1,8%.

Bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em cho dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào thì hậu quả của nó cũng hết sức nghiêm trọng, sẽ đẩy nạn nhân đến bờ vực thẳm; nạn nhân của bạo lực phải chụi đựng từ bị nhục mạ, xâm hại, bị khủng hoảng về tâm lý kéo dài, tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí thiệt hại đến tính mạng, tài sản.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng, nhà nước về thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020, phê duyệt Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, trong đó chỉ đạo hằng năm tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tháng hành động vì bình đẳng giới diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xoá bỏ bất bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

---------------------------------------------------

 

 
Lịch công tác tuần
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập: 166183
Số người trực tuyến
   Hiện có: 3   Khách
Video